ROYAL VINA

ROYAL VINA

ROYAL VINA

ROYAL VINA

ROYAL VINA
ROYAL VINA
TRIỂN VỌNG NGÀNH NHỰA NĂM 2017

Kim ngạch xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2017, thị trường trọng điểm là Nhật Bản và Mỹ. Với diễn biến khả quan trong 9 tháng đầu năm, chúng tôi dự báo xuất khẩu sản phẩm nhựa sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong năm sau. Trong khi đó, thị trường châu Âu có khả năng sẽ làm khó các doanh nghiệp nội. Diễn biến không thuận lợi của đồng EUR sẽ gây thiệt hại về số lượng đặt hàng và các doanh nghiệp nội còn chịu cạnh tranh từ chính hàng hóa sản xuất tại khu vực này do chi phí nguyên liệu hàng hóa giảm khi đồng EUR xuống thấp. Nhật Bản và Mỹ vẫn đang là thị trường rất tiềm năng cho ngành nhựa xuất khẩu với nhu cầu tiêu thụ lớn.

Nhựa bao bì: tiềm năng tăng trưởng phụ thuộc vào các ngành end – product như thực phẩm, đồ uống. Như đã phân tích ở trên, ngành bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì mềm và bao bì PET thực phẩm là các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành hàng tiêu dùng, trong đó có thực phẩm đóng gói, đồ uống đóng hộp, đóng chai. Chúng tôi đánh giá ngành công nghiệp thực phẩm sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Tình hình kinh tế khởi sắc sẽ gia tăng tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa, theo số liệu ước tính thì tầng lớp trung lưu tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi trong giai đoạn 5 năm tới. Đây là một nhân tố tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm đóng gói. Theo BMI Research, ngành công nghiệp thực phẩm được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh, cụ thể doanh số bán hàng thực phẩm tăng 10,2% trong năm 2016 và tăng trưởng kép hàng năm cho giai đoạn 2015 – 2020 là 10,9%. Với khoảng 6,1 triệu hộ sẽ ra khỏi diện nghèo trong giai đoạn 2015 – 2050 và nằm trong nhóm có thu nhập 5.000 – 10.000 USD/năm thì nhu cầu tiêu dùng sẽ dịch chuyển lên nhóm hàng thực phẩm có giá trị cao. Đối với ngành đồ uống, theo hiệp hội Rượu – Bia – Nước giải khát Việt Nam, một trong những sản phẩm đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của thị trường nước giải khát Việt Nam là trà xanh đóng chai, trà thảo mộc, nước tăng lực được dự báo tăng trưởng kép hàng năm CAGR giai đoạn 2015 – 2019 lần lượt là 17,8%. 27,6% và 24,7%. Các doanh nghiệp trong nước cũng đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải tiến sản phẩm với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, đứng đầu là tập đoàn Tân Hiệp Phát với hai dự án lớn nhà máy sản xuất Number One ở Hà Nam và Chu Lai, kế đến là tập đoàn Masan và tập đoàn Hòa Bình. Như vậy, có thể thấy triển vọng ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống đóng chai rất khả quan trong tương lai, tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành bao bì nhựa. Mặc dù theo Quy hoạch về phát triển ngành nhựa đến năm 2020 sẽ giảm tỷ trọng mảng nhựa bao bì, nhưng chúng tôi cho rằng, với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm như hiện nay, mảng nhựa bao bì vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển.

Nhựa gia dụng – tiềm năng lớn nhưng chịu sức ép cạnh tranh từ đối thủ ngoại. Triển vọng của ngành nhựa gia dụng vẫn duy trì tích cực do (1) dân số tăng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ hàng gia dụng lớn (số dân trong độ tuổi lao động chiếm 50%), (2) thu nhập bình quân đầu người tăng, khoảng 6,1 triệu hộ sẽ ra khỏi diện nghèo trong giai đoạn 2015 – 2050 và nằm trong nhóm có thu nhập 5.000 – 10.000 USD/năm (theo BMI Research), (3) tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng đồ Việt Nam ngày càng tăng, theo thống kê, trong hệ thống siêu thị của Việt Nam, có đến 85 – 95% là các thương hiệu Việt. Tuy nhiên, công nghệ thấp dẫn đến sản phẩm không đồng đều về mặt chất lượng cũng như tiềm lực tài chính còn hạn chế, các doanh nghiệp nhựa gia dụng hiện đang đối mặt với sức ép cạnh tranh từ đối thủ ngoại, mà tiêu biểu là thương hiệu nhựa gia dụng Lock&Lock. Các sản phẩm cao cấp của doanh nghiệp ngoại với chất lượng tốt sẽ có biên lợi nhuận tốt hơn so với các sản phẩm Việt Nam chất lượng trung bình. Do đó, bài toán hiện nay của các doanh nghiệp nhựa nội địa là nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách cải tiến công nghệ sản xuất, ngoài ra, năng lực quảng cáo cũng như dịch vụ phải được nâng cao, chỉ như vậy thì sản phẩm nội địa mới có thể cạnh tranh tốt với các sản phẩm ngoại.

Nhựa xây dựng – Bất động sản và xây dựng ấm lên hỗ trợ lớn cho sự tăng trưởng của ngành. Thị phần mảng nhựa xây dựng chỉ chiếm 18,2% của tổng ngành nhựa nhưng phát triển khá nhanh, đến 15 - 20%/năm. Hiện nay, cả nước có 180 doanh nghiệp đang hoạt động trong 2 mảng là ống nhựa xây dựng và nhựa vật liệu xây dựng. Theo hệ thống phân loại của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, ngành nhựa xây dựng thuộc ngành vật liệu với chỉ số nhóm ngành đã tăng 45% trong 9 tháng đầu năm, phần nào chứng tỏ rằng đây là một ngành được nhà đầu tư rất quan tâm. Tổ chức nghiên cứu quốc tế BMI dự báo năm 2016, tăng trưởng của ngành xây dựng hạ tầng Việt Nam sẽ là 9,85%, tốc độ tăng trưởng thực trung bình khoảng 6%/năm trong giai đoạn 2016 – 2024. Nhu cầu về ống nhựa xây dựng và thanh profile ngày càng tăng lên. Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011 đã cung cấp những giải pháp đồng bộ để gỡ khó và phát triển thị trường bất động sản. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25 m 2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 29 m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 22 m2 sàn/người, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 8 m2 sàn/người. Đến năm 2030, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc khoảng 30 m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12 m 2 sàn/người. Sự phát triển của thị trường xây dựng và bất động sản sẽ tạo động lực cho ngành nhựa xây dựng tăng trưởng trong tương lai.

Nhựa tái chế - xu hướng mới trong tương lai. Các sản phẩm nhựa tái chế hiện đang được ưa chuộng tại các nước phát triển do tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa phát tán ngoài môi trường và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng do khả năng tồn lưu lâu, khó phân hủy. Hiệp hội nhựa Việt Nam cho rằng, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35-50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Trong khi đó, theo Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM, rác thải nhựa chiếm tỷ trong cao chỉ sau rác thực phẩm trong chất thải rắn đô thị. Nhưng tổng lượng phế liệu nhựa thu mua chỉ khoảng 10% của tổng chất thải nhựa tồn lưu mỗi năm, bị phát tán vào môi trường. Các sản phẩm của nhựa có thể tái chế hiện nay chủ yếu là sản phẩm của phân ngành bao bì nhựa như chai nhựa PET, bao bì thực phẩm. Triển vọng của các sản phẩm nhựa tái chế là rất lớn, đặc biệt là bao bì thực phẩm và chai nhựa PET. Nhu cầu tái chế nhựa tăng cao một phẩn là nhờ chính sách khuyến khích của chính phủ các nước trong quá trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các sản phẩm nhựa gây ra. Tuy nhiên, dù có nhiều triển vọng trong tương lai, nhưng trong quá trình phát triển thực tế, vẫn đối mặt với nhiều vấn đề. Thứ nhất, vì nguồn gốc của nhựa tái chế rộng rãi, chất lượng khác nhạu, sự khác biệt về hiệu năng cũng lớn, dẫn đến chất lượng kém và sự ổn định của nhựa tái chế. Thứ hai, sản phẩm này có chi phí tương đối cao, trong đó, giá cao hơn giá nhựa nguyên chất 30 -50%. Thứ ba, ngành nhựa tái chế đòi hỏi kỷ thuật công nghệ tương đối cao, trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đa số là doanh nghiệp nhỏ, phân tán. Tuy vậy, mặc dù vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề, nhưng đây vẫn là sự phát triển của tương lai và các doanh nghiệp Việt Nam nếu tận dụng được lợi thế của mình thì khả năng phát triển rất lớn trong bối cành nguồn cung cho mặt hàng này vẫn đang thiếu hụt.

Giá hạt nhựa được dự báo sẽ tăng nhẹ trong những tháng cuối năm, tuy nhiên sẽ duy trì xu hướng đi ngang. Về xu hướng giá hạt nhựa trong thời gian tới, chúng tôi đưa ra một số nhận định sau:

  • Giá dầu năm 2017 được dự đoán sẽ đi ngang trong ngưỡng 50-55USD. Trong bối cảnh các quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đồng ý cắt giảm sản lượng lần đầu tiên trong 8 năm, giá dầu trong thời gian gần đây đã hồi phục mạnh lên mức hơn 50 USD/thùng. Việc cắt giảm sản lượng sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2017, theo đó các nước OPEC sẽ giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày từ mức chính thức 33,6 triệu thùng/ngày hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng có thể là con dao hai lưỡi đối với thị trường khi mà khả năng các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ sẽ tăng sản lượng. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu dầu thô ở Trung Quốc tăng mạnh trong các tháng cuối năm, nhưng có lẽ nhập khẩu tăng mạnh là bởi giá dầu thô giảm chứ không phải vì nhu cầu tiêu thụ thực tế tăng, do đó nếu nguồn cung dầu thô giảm tương ứng với nhu cầu nhập khẩu giảm từ các nước nhập khẩu chủ chốt như Trung Quốc thì nỗ lực của các nhà sản xuất sẽ không mang lại hiệu quả nhiều.
  • Thị trường Mỹ: chỉ số PPIJPRAM Index chỉ số nguyên liệu và hạt nhựa tham chiếu của thị trường Mỹ bắt đầu tăng nhẹ trong tháng 9 và 10 vừa qua.

PE

Nguồn cung PE vừa được thắt chặt sau kết quả của kế hoạch bảo dưỡng nhà xưởng sản xuất định kỳ và tình trạng thiếu điện bất ngờ trong khu vực. Các công ty gặp vấn đề về sản xuất PE hoặc ethylene nguyên liệu tại Gulf Coast trong bao gồm LyondellBasell Industries, ExxonMobil Chemical Co và Westlake Chemical Corp, đều là những đại gia lớn trong ngành nhựa tại Bắc Mỹ. Hàng tồn kho PE thấp hơn cũng đóng một vai trò trong việc tăng giá vừa qua. Nhu cầu PE tại Mỹ và Canada tăng là sự kết hợp của nhiều yếu tố, theo Hội đồng Hóa học Mỹ tại Washington, doanh số bán PE mật độ cao tại khu vực đã tăng hơn 4%, trong khi doanh số của PE mật độ thấp tăng hơn 1% và LDPE giảm gần 1%. Doanh số HDPE nội địa cũng tăng gần 2% thúc đẩy bởi gần 15% tăng trưởng trong doanh số xuất khẩu 8 tháng. Đối với LLDPE, doanh số bán hàng đã giảm hơn 2% bởi sự sụt giảm gần 2% trong các thị trường xuất khẩu. LDPE tại khu vực mất 2% do giảm gần 10% doanh thu xuất khẩu.

PP

Giá PP trên thị trường Mỹ tiếp tục đà tăng, nguyên nhân chủ yếu do trước đó, nguồn cung hạt nhựa PP được thắt chặt, nhưng cho phép nhập khẩu thêm nguyên liệu từ khắp nơi trên thế giới vào thị trường khiến giá bị đẩy xuống. Hiện tại, mặc dù nguyên liệu nhập khẩu vào khu vực vẫn có, tuy nhiên đã giảm, cho phép giá PP tăng trở lại. Doanh số hạt nhựa PP cũng tăng 1,3% trong 8 tháng đầu năm 2016, theo đó trong mức tăng trưởng trên có sự đóng góp của sự bùng nổ về doanh số xuất khẩu với 31%.

PVC

Giá PVC tiếp tục giữ xu hướng ổn định và được dự báo sẽ đi ngang. Doanh số PVC vẫn tiếp tục duy trì ở mức tốt tại thị trường, một phần nhờ sự phục hồi của thị trường nhà ở Mỹ khi nhu cầu sử dụng các vật liệu cứng ngành sản xuất ống nước và ống hạm tăng 7,5%. Trên thị trường châu Á, giá nhựa PVC khả năng sẽ ổn định và thậm chí nhiều khả năng mạnh trong nửa đầu năm 2017 do hạn chế nguồn cung từ Trung Quốc sau các đợt thanh tra sản xuất PVC từ cácbua (là nguyên liệu quan trọng của công nghiệp hóa chất, đặc biệt là chế tạo PVC).

Các thị trường khác: giá hạt nhựa PE, PP tại Thổ Nhĩ Kỳ của tháng 11 đã tăng so với các tháng trước do chịu áp lực từ việc lợi nhuận kém hơn các thị trường khác. Mức tăng giá giao động trong khoảng 10-40USD/tấn. Nguồn cung suy giảm do nhiều nhà máy đóng cửa tại Ả Rập Saudi, Oman, Ấn Độ và Ai Cập. Một nguyên nhân khác góp phần vào xu hướng tăng giá này là do thị trường Trung Quốc đã hồi phục và kéo mức giá lên. Đồng thời, mức tăng thuế nhập khẩu hạt nhựa PP lên 3% vào năm 2017 cũng tác động đến xu hướng giá, các nhà cung cấp sẽ tăng giá nhựa PP tương ứng với mức thuế điều chỉnh.

Với những nhận định trên, chúng tôi cho rằng giá hạt nhựa sẽ tăng trong các tháng cuối năm cùng với xu hướng tăng của giá dầu và nhiều khả năng sẽ đi ngang trong năm 2017 hoặc chỉ tăng nhẹ. Giá nhựa sẽ biến động theo giá dầu thế giới, tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nhựa Việt Nam đều tích trữ nguyên vật liệu đủ để sản xuất trong vòng từ 2 tháng đến 6 tháng, đặc biệt vào mùa cao điểm. Do đó, sẽ có một độ trễ nhất định và các doanh nghiệp phải linh hoạt để tránh chịu ảnh hưởng mạnh trước sự biến động của chi phí nguyên vật liệu.

Các chính sách thuế ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, áp dụng từ ngày 1/9/2016. Trong đó quy định chi tiết về mức thuế nhập khẩu nguyên liệu PP (HS 3902) như sau:

  • Kể từ ngày 01/9 – 31/12/2016: Thuế nhập khẩu PP là 1%
  • Kể từ ngày 01/01/2017: Thuế nhập khẩu PP là 3%

Hiện nay, năng lực cung ứng nguyên liệu nhựa PP trong nước chỉ mới đáp ứng được 100.000 - 150.000 tấn/năm cho các doanh nghiệp sản xuất nhựa, trong khi nhu cầu sử dụng lên đến 1,2 triệu tấn/năm, chưa kể nhu cầu tăng trưởng của nguyên liệu này được Hiệp hội Nhựa VN xác định tăng trung bình 15%/năm

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức thuế nhập khẩu ưu đãi hiện nay là 1%, tuy vẫn cao hơn mức 0% của một số FTA nhưng để được áp dụng mức thuế 0% thì doanh nghiệp cũng cần thêm chi phí gần bằng hoặc bằng 1% (như chi phí cấp C/O), trong khi hàng hoá nhập khẩu thì cần thời gian vận chuyển và thường phải mua số lượng lớn, ứng vốn nhiều hơn so với mua trong nước. Như vậy, việc mua, bán các sản phẩm này của doanh nghiệp trong nước theo mức giá nhập khẩu +1% thuế nhập khẩu là chấp nhận được. Đến giữa năm 2017, dự án nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn dự kiến đi vào hoạt động. Theo chứng nhận đầu tư, dự án này có thể sản xuất mỗi năm 380.330 tấn hạt nhựa PP, 158.775 tấn benzene, 525.600 tấn p-xylen. Xem xét thực tế khi dự án Nghi Sơn đi vào hoạt động, Bộ Tài chính đã quyết định áp mức thuế nhập khẩu hạt nhựa PP là 3% kể từ 01/01/2017.

Chúng tôi cho rằng, việc tăng thuế nhập khẩu PP lên mức 3% sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất bao bì thực phẩm và bao bì xây dựng. Theo tính toán sơ bộ của VPA, với giá nhập khẩu hiện tại, nếu tăng thuế nhập khẩu lên 3% thì chi phí phát sinh do tăng giá nhập khẩu mà các doanh nghiệp nội phải trả cho doanh nghiệp xuất khấu trong khu vực FTA năm 2017 sẽ là 1.870 tỷ đồng. Do đó, ngoài áp lực giá hạt nhựa sẽ tăng nhẹ, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam còn chịu sức ép về chi phí thuế nhập khẩu nguyên liệu. Trong khi đó, các nhà sản xuất hạt nhựa PP ở các nước trong khu vực như: ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc lại được hưởng lợi. Cụ thể, các doanh nghiệp từ các nước trong khối ASEAN có thể sẽ tăng giá bán hạt nhựa PP tương ứng với mức thuế nhập khẩu điều chỉnh. Theo đó, các doanh nghiệp nội sẽ chịu ảnh hưởng mạnh bởi chính sách giá mới này.

Cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà. Hiện nay có hơn 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa, trong đó khoảng 84% tập trung ở miền Nam, khu vực miền Bắc với khoảng 14% doanh nghiệp hoạt động. Do đó, cạnh tranh mạnh nhất là khu vực phía Nam. Nhựa bao bì vẫn là mảng chiếm tỷ trọng cao nhất trong ngành nhựa, với tỷ lệ lên đến 37,4% trong năm 2015. Với bốn phân khúc nhỏ hơn, sản phẩm ngành nhựa bao bì rất đa dạng, do đó việc cạnh tranh không diễn ra một cách trực tiếp. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng với quy định áp thuế nhập khẩu hạt nhựa PP 3% bắt đầu từ năm 2017, các doanh nghiệp trong phân ngành sản xuất bao bì xây dựng và bao bì thực phẩm sẽ có khả năng chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ ngoại như chúng tôi đã phân tích ở trên. Có thể thấy, khi mà các doanh nghiệp nội còn đang loay hoay với bài toán chi phí nguyên liệu đầu vào, thì các doanh nghiệp nhựa các nước đã và đang mang sản phẩm hoàn chỉnh sang cạnh tranh ngay tại Việt Nam.

TRIỂN VỌNG NGÀNH NHỰA 2017

Nhựa xây dựng với thị trường chủ yếu là nội địa chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt hơn. Hai doanh nghiệp lớn nhất ngành nhựa xây dựng là Nhựa Tiền Phong thống lĩnh thị phần miền Bắc với tỷ lệ 60% và thị phần cả nước khoảng 29% và nhựa Bình Minh dẫn đầu thị trường miền Nam với thị phần gần 50%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hai ông lớn ngành nhựa đã bắt đầu mở rộng thị phần bằng cách xâm nhập vào sân chơi của đối thủ cũng như mở rộng sang khu vực miền Trung, nơi mà thị trường ống nhựa chưa có ngôi vương. Việc mua lại Nhựa Năm Sao của NTP và mong muốn sáp nhập Nhựa Đà Nẵng của BMP đã thể hiện rõ chiến lược này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn duy trì thị phần bằng cách gia tăng tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý. NTP luôn duy trì mức tỷ lệ chiết khấu cao khoảng, trong khi BMP duy trì ở mức 11 – 17% và các chính sách khác cho đại lý, điển hình là Hội nghị hệ thống phân phối với 1.400 khách sẽ diễn ra ở Malaysia vào cuối tháng 11. Ngoài hai ông lớn trong ngành nhựa thị phần còn lại thuộc về các đối thủ nhỏ khác như Hoa Sen, Europipe và Tân Á Đại Thành…

  • Nhà máy ống nhựa Hoa Sen Bình Định được thành lập vào tháng 4/2016 gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 gồm 6 dây chuyền sản xuất ống nhựa uPVC và 1 hệ trộn trung tâm với công suất 12.000 tấn/năm đã hoàn thành, được đưa vào sản xuất và cho ra những sản phẩm đầu tiên từ tháng 01/2016. Giai đoạn 2 gồm 6 dây chuyền sản xuất ống nhựa uPVC và 1 mô đun cho hệ trộn trung tâm với công suất 12.000 tấn/năm. Dựkiến c ả 2 giai đoạn sẽ được hoàn thành vào tháng 12/2016 và có tổng công suất 24.000 tấn/năm.
  • Ngoài ra, CTCP Nhựa Stroman Việt Nam (thành viên Tập đoàn Tân Á Đại Thành) cũng đã khánh thành nhà máy ống nhựa Stroman Hưng Yên với tổn vốn đầu tư 70 triệu USD chia làm hai giai đoạn. Trong đó, 35 triệu USD của giai đoạn đầu sẽ đầu tư cho máy móc, thiết bị. Mục tiêu là xây dựng 20 tổng kho tại miền Bắc và miền Trung, với sản lượng xuất bán dự kiến 20.000 tấn, cho doanh thu 1.000 tỷ đồng. Giai đoạn II, đến năm 2017, sẽ hoàn thiện nhà máy với các hạng mục gồm hệ thống máy móc, vận hành toàn bộ công suất nhà máy Stroman Hưng Yên. Đơn vị này sẽ xây dựng thêm 18 tổng kho, hoàn thành việc xây dựng 36 tổng kho tại 36 tỉnh miền Bắc và miền Trung với sản lượng xuất bán dự kiến 70.000 tấn sản phẩm, doanh thu là 3.000 tỷ đồng.
  • EuroPipe là doanh nghiệp tư nhân có quy mô đầu tư kinh phí sản xuất ống nhựa HDPE, ống nhựa chịu nhiệt PPR, ống nhựa uPVC và phụ kiện lớn của Việt nam với tổng kinh phí đầu tư hơn 400 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, cạnh tranh trong thị trường ống nhựa xây dựng đang dần trở nên khốc liệt hơn rất nhiều và miếng bánh thị phần có thể sẽ phải chia nhỏ ra cho những doanh nghiệp mới này. Các doanh nghiệp nhựa nội địa vẫn có ưu thế hơn nhờ quy mô lớn và thương hiệu vững mạnh, tuy nhiên chúng tôi cho rằng, nếu không có các chính sách hợp lý để thích ứng với thị trường cạnh tranh, thị phần của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Sự thâu tóm của các doanh nghiệp ngoại – cơ hội và thách thức. Ngành nhựa Việt Nam với tốc độ phát triển nhanh đang nhận được sự quan tâm lớn từ các tập đoàn nước ngoài. Các doanh nghiệp đến từ Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng thâu tóm các doanh nghiệp nhựa tại Việt Nam. Nổi bật phải kể đến tập đoàn SCG đến từ Thái Lan, tập đoàn này đang nối dài cánh tay của mình ở thị trường Việt Nam thông qua hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập. Đối với phân khúc bao bì nhựa, SCG đã chi 44 triệu để thâu tóm bao bì Tín Thành (Batico), một trong năm doanh nghiệp lớn nhất ngành bao bì nhựa. Công ty Nhựa Tín Thành cũng đã bất ngờ bán lại 80% cổ phần cho Tập đoàn SCG với giá 44,4 triệu USD. Không chỉ vậy, SCG còn thâm nhập sâu vào ngành nhựa xây dựng Việt Nam khi sở hữu 23,8% cổ phần tại Nhựa Tiền Phong và 20,4% tại Nhựa Bình Minh.

Tính đến thời điểm này, SCG đã chi ra khoảng 121 triệu USD đầu tư vào 7 doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Ngoài ra, SCG còn nắm giữ cổ phần tại một số công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt – Thái Plastchem, Công ty nhựa và Hóa chất TPC Vina, công ty Chemtech và công ty Vật liệu nhựa Minh Thái. Không chỉ có người Thái, nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật cũng ưa thích thị trường nhựa Việt Nam. Tiêu biểu, Công ty Oji Holding Corporation của Nhật đã mua Công ty Bao Bì United, hay Sagasiki Vietnam mua Công ty Cổ phần In và Bao bì Goldsun. Gần đây, một tổ chức đầu tư của Nhật là RISA Partners cũng ngỏ ý muốn đầu tư vào Công ty Nhựa dân dụng Đông Á. Tập đoàn Hàn Quốc Dongwon Systems cũng đã mua lại cùng lúc hai doanh nghiệp lớn là Bao Bì nhựa Tân Tiến và Bao Bì nhựa Minh Việt - vốn là công ty bao bì thuộc Masan Group.

Có thể nhận thấy, các doanh nghiệp ngoại này thường lựa chọn cách thức liên doanh để góp vốn và tạo ảnh hưởng lên thị trường thay vì phải xây dựng thương hiệu từ đầu. Việc thâu tóm trọn các doanh nghiệp sản xuất chế biến từ mua vốn của SCIC sau khi thoái, hay mua đứt các doanh nghiệp nhỏ dự báo sẽ tiếp tục diện ra với lợi ích đến từ việc tiết kiệm chi phí tìm hiểu thị trường, tận dụng nguồn lực trong nước, đồng thời để khai thác nhu cầu tiêu thụ của chính thị trường nội địa. làn sóng này sẽ diễn ra mạnh mẽ để đón đầu FTAs, chuẩn bị cho xuất khẩu.

Đối với hai ông lớn ngành nhựa là BMP và NTP, với kế hoạch thoái vốn cổ phần của SCIC mà chính phủ đã phê duyệt, khả năng cao tập đoàn SCG sẽ gia tăng sở hữu tại hai doanh nghiệp này. Trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, BMP đã được chấp thuận để nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% và HĐQT đã thống nhất nới room trong năm nay. Tuy nhiên, trong điều lệ công ty của BMP vẫn bao gồm một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó quá trình nới room phức tạp hơn các trường hợp khác. Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng kế hoạch này sẽ sớm hoàn tất và khả năng SCG tiếp tục gia tăng sở hữu tại BMP là có thể xảy ra. Còn đối với NTP, room nước ngoài hầu như không kín, chủ yếu là SCG nắm giữ gần 24%, phần lớn là do tỷ lệ năm giữ lớn của các cổ đông nội bộ và cổ đông lớn nhất là SCIC với tỷ lệ sở hữu 37,1%. Nếu NTP chấp nhận nới room khối ngoại lên 100% như BMP thì khả năng sáp nhập là khá cao, và với vị thế của 2 doanh nghiệp đầu ngành này, người Thái chắc hẳn phải chấp nhận trả một cái giá cao hơn so với thị giá của cổ phiếu.

 

 

Tags: sony